Ads 468x60px

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Đức tín Nhẫn Nhục

Nhẫn là nhịn, là chịu đựng phần kém, phần thiệt thòi về mình. Trong tiếng Việt, chữ nhịn có cùng nghĩa với chữ nhẫn của Trung Quốc. Có thể coi chữ nhẫn mà chúng ta dùng hôm nay có nguồn gốc từ tiếng Hán và đã được Việt hóa. Nhục là hèn kém, đáng xấu hổ. Như vậy, nhẫn nhục là chịu đựng sự hèn kém, nhục nhã, đáng xấu hổ. 

Trong trường hợp nào chúng ta phải chịu đựng và sự chịu đựng ấy được coi là nhẫn nhục? 

Chúng ta thường nhẫn nhục trong trường hợp bị xúc phạm bởi người bằng mình hoặc dưới mình. 

Ví dụ, chúng ta cảm thấy bị xúc phạm khi một người nhỏ hơn mình lại hỗn láo với mình. Nhưng khi bị xúc phạm, chúng ta vẫn bình thản chịu đựng, không có sự phản ứng gì trước sự xúc phạm ấy. Như thế là chúng ta đã nhẫn nhục. Hoặc một người "bằng vai phải lứa" với chúng ta lại nặêng lời hoặc tỏ ra lấn át chúng ta, nhưng lúc ấy chúng ta không phản ứng, phải chịu đựng phần thiệt thòi về mình, đó cũng là sự nhẫn nhục. 

Trường hợp thứ hai, chúng ta là người nhỏ, bị người lớn chèn ép, tước đoạt hết quyền lợi, phải gánh chịu những vất vả, cực nhọc cho người khác. Sự chịu đựng đó được gọi là nhẫn nhục. 

Ngoài ra, chúng ta còn phải chịu đựng, nhẫn nhục khi rơi vào những hoàn cảnh khốn khó. Chẳng hạn, gặp lúc thiếu thốn, đói khổ, chúng ta không bi quan, không ngã gục, phải chịu đựng để vượt qua. Sức chịu đựng ấy cũng được coi là nhẫn nhục. 

Ở đây, chúng ta cần phân biệt nhẫn nhục với những trạng thái tâm lý khác. Nếu bị người khác xúc phạm, chúng ta không giữ được bình tĩnh thì sẽ rơi vào tâm sân( nóng nảy). Nhẫn nhục không phải là phản nghĩa của nóng nảy. Nóng nảy là mất bình tĩnh, là đưa ra những phản ứng mạnh. Trong khi đó, nhẫn nhục là chịu đựng sự xúc phạm mà không phản ứng. Người vượt lên tâm sân sẽ giữ được trầm tĩnh, không phản ứng. Nhưng thái độ trầm tĩnh ấy chưa hẳn là nhẫn nhục. Vì ẩn sau vẻ ngoài trầm tĩnh ấy thường có nhiều tâm trạng khác nhau. 

Trước hết là sự thâm hiểm. Chúng ta biết rằng, người có lòng dạ thâm hiểm luôn tỏ ra bình tĩnh, không phản ứng trước sự xúc phạm của người khác. Nhưng họ nuôi trong lòng sự oán hận, nuôi ước muốn trả thù. Đây là trường hợp rất nguy hiểm. 

Có trường hợp bị hiếp đáp, bị xúc phạm nhưng người ta không phản ứng. Mặc dù bên ngoài họ có vẻ như trầm tĩnh, nhưng thực chất bên trong họ mang tâm trạng sợ hãi. Đó không phải là nhẫn nhục mà là nhu nhược. 

Như vậy, nhẫn nhục khác với những tâm lý ấy. Nhẫn nhục là chịu đựng mọi việc với tâm tha thứ, không nhu nhược cũng không nuôi sự giận ghét trong lòng. Vì vậy, khi gặp trường hợp bên ngoài trầm tĩnh chúng ta phải xét nội tâm bên trong để đánh giá. Cần phân biệt rõ đâu là nhẫn nhục, đâu là thâm hiểm, đâu là nhu nhược, yếu đuối. 

Nhẫn nhục khác với nhu nhược, yếu đuối, vô tàm quý. 

Khi lầm lỗi, người ta góp ý nhưng chúng ta vẫn trơ ra, không biết hối hận, không biết lỗi, vẫn tiếp tục làm. Đó không phải là nhẫn nhục mà gọi là trơ lì. 

Ví dụ, khi bị phát hiện, một người có tật ăn cắp vặt vẫn im lặng, tỏ ra bình tĩnh, không hổ thẹn, coi như không có gì xảy ra. Sự im lặng đó không phải là nhẫn nhục mà trơ lì. 

Người vô tàm là người khi mắc phải lỗi lầm, được người khác chỉ lỗi vẫn không mắc cỡ, không hổ thẹn. Theo ngôn ngữ của người đời, đó là người "mặt dày". Những người này thường không biết thiện ác tội lỗi, Nhân Quả, là người rất đáng sợ. 

Trong cuộc sống, chúng ta gặp những trường hợp tương tự như nhẫn nhục nhưng thực chất đó là người không có lòng tự trọng, vì cầu danh lợi nên chịu hèn kém, nịnh bợ luồn cúi. Đó là hạng người vô liêm sỉ, không có tiết tháo.  Chẳng hạn, có người thấy người khác giàu sang, bèn lân la kết thân. Khi người giàu tỏ ra khinh thường, sai làm hết việc này sang việc khác, thậm chí chửi mắng, họ cũng cười trừ coi như chẳng có gì quan trọng. Như vậy, không thể gọi là nhẫn nhục. Đó là cầu cạnh, luồn cúi, nịnh bợ. Nhẫn nhục đúng nghĩa là không có sự cầu cạnh, không mong muốn điều gì cho mình. 

Những người chịu đựng nhục nhã, hạ thấp phẩm giá để mong được ích lợi cho mình mà dân gian gọi là " chịu đấm ăn xôi", là người không có liêm sỉ, là kẻ tiểu nhân với tư cách tầm thường, hèn hạ. Biểu hiện bên ngoài của hạng người này rất giống nhẫn nhục nhưng hoàn toàn không phải. Chúng ta cần chú ý phân biệt cho đúng. Bởi vậy, khi tiếp xúc với những người giàu có, quyền thế, chúng ta phải kiểm soát tâm mình. Nếu bị người ta đối xử không đàng hoàng mà mình vẫn nhịn, phải xét lại tâm mình xem việc mình nhịn là nhẫn nhục hay nịnh bợ, muốn cầu cạnh điều gì. 

Có trường hợp, người ta không phản ứng lại việc người khác chèn ép hay xúc phạm mình không phải vì yếu thế mà không muốn sự việc trở nên phức tạp, để lại hậu quả xấu. Như thế gọi là người biết nhẫn nhục. 

Vẫn biết rằng, nhẫn nhục là Đạo đức cao quý mà mỗi chúng ta phải tu tập, rèn luyện nhưng không phải trong bất kỳ tình huống nào chúng ta cũng nhẫn nhục. Chúng ta cần lưu ý đến quyền lợi của nhiều người mà có thái độ ứng xử phù hợp. Với bản thân mình, có sự khiêm hạ thì chúng ta sẽ nhẫn nhục được. Nhưng khi biết thái độ, quyết định của mình có liên quan đến quyền lợi của mọi người, chúng ta phải cân nhắc. Trong đánh giá người khác cũng vậy, chúng ta phải xem thái độ ứng xử của họ liên quan đến lợi ích cá nhân hay quyền lợi của nhiều người, không được đánh giá một cách phiến diện, một chiều./.
(sưu tầm)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.