Ads 468x60px

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 28 thường niên - Năm C (Lm.ĐTQ)


CHÚA NHẬT 28TNC
          Kính thưa anh chị em
Bài Tin Mừng hôm nay có thể gợi lên trong chúng ta những tâm trạng rất khác nhau. Riêng tôi thì tôi cảm thấy vừa vui, vừa buồn.
- Vui cho những người phong cùi được Chúa chữa khỏi. Nhưng lại buồn cho Chúa 
- Vui cho những người được thụ ơn mà lại buồn cho người ban ơn.
A. VUI.
1. Mười người phong cùi trong bài Tin Mừng hôm nay được Chúa chữa khỏi. Chẳng cần phải nói nhiều, chúng ta cũng thấy được họ vui như thế nào.
a. Hoàn cảnh sống của họ thật bi thảm: Sống mà kể như đã chết. Và có lẽ nếu chết được có lẽ còn hạnh phúc hơn.
Vào thời của Chúa Giêsu người Do thái rất sợ căn bệnh này: Chỉ bị sần đỏ lên....như trường hợp bị dị ứng hôm nay là người ta cũng đã nghi là phong cùi cần phải cách ly rồi. Và có lẽ cũng vì thế mà mới có luật phải đi trình diện các tư tế để được kiểm chứng cho chắc ăn hơn.
b. Cuộc sống của những người mắc bệnh phong cùi thật tăm tối
+ Họ phải sống xa cách mọi người.
+ Bó buộc phải mang áo rách
+ Đàn ông thì phải để râu và tóc xõa.
+ Phải đeo một cái chuông nhỏ để mỗi khi thấy có người đến gần thì phải lắc chuông và kêu lên: "Ta mê...ta mê" nghĩa là "dơ đó, dơ đó" để báo cho người ta biết mà tránh.
c. Có một chi tiết khá thú vị là trong số mười người phong cùi được Chúa chữa lành ngày hôm nay có một người Samaria.
Thông thường thì giữa người Do thái và người Samaria luôn luôn đố kỵ đối với nhau. Người Do thái thì coi người Samaria là người ngoại giáo. Còn người Samaria thì lại coi những người Do thái như những kẻ thù của mình.
Nhưng hoàn cảnh phong cùi đã xóa đi những ngăn cách mà trong đời sống thường ngày người ta vẫn đặt ra.
Lúc này và ở đây tất cả đều chung một số phận. Họ bị đối xử chẳng khác gì nhưng con vật không hơn không kém. Chỗ ở chung của họ là một thung lũng xa cách với mọi người. Họ được những người lành lặn nuôi sống bằng cách ném xuống thung lũng cho họ những thực phẩm cần thiết hằng ngày.
d. Đang lúc họ tuyệt vọng, tưởng chừng như phải kéo lê mãi cuộc sống sống này mà không có một lối thoát nào thì Chúa bất ngờ đến với họ.
Chắc chắn người ta đã kể cho họ về Chúa Giêsu. Họ đã được biết về Chúa, biết cả tên của Chúa nữa: "Lạy Thầy Giêsu". Họ thưa với Chúa như thế. Cách xưng tên như thế này trong xã hội Do thái lúc đó là cách chỉ có những người thân tín với nhau mới dùng.
Và Chúa đã không dể cho họ phải thất vọng. Họ tin vào Lời của Chúa. Họ đã đi và đang khi đi họ đã được khỏi. Chúng ta không thể tưởng tượng được là họ vui như thế nào. Chết mà được sống lại. Mất tất cả mà bây giờ được có lại tất cả. Đã tuyệt vọng mà bây giờ niềm hy vọng lại hồi sinh. Không thế nào mà tả cho hết được niềm vui của họ.
B. BUỒN.
Thế  nhưng bên cạnh niềm vui đó chúng ta lại thấy được một nỗi buồn. Chúa buồn. Lý do tại sao Chúa buồn thì chắc anh chị em cũng đã thấy.
a. Không phải 10 người được sạch cả sao? Chúa hỏi như thế không phải vì Chúa không biết. Nhưng phải nói rằng Ngài cảm thấy rất buồn khi thấy có quá ít người biết ơn Chúa như thế. Mười người ...tất cả mười người đều được khỏi nhưng chỉ cómột người trở lại cám ơn Chúa. Tỉ lệ 1/10.
Charles Erdman một nhà chú giải chuyên về thánh Luca nói: "Có lẽ 9/10 sẽ quên hết những ơn họ lãnh nhận"
b. 1/10! Một tỉ lệ đáng kinh ngạc nhưng còn đáng kinh ngạc hơn là người duy nhất trong nhóm mười người được Chúa chữa lành đó trở lại cám ơn Chúa lại là người Samaria, một người ngoại giáo.   
Một câu truyện có thật đã trở thành một bài để dạy đời trên toàn đế quốc Roma vào thời của Chúa Giêsu và sau đó. Câu truyện như thế này: Androcles là một nô lệ...Vì không chịu nổi cảnh bị đối xử quá khắc nghiệt ở nhà chủ cho nên anh bỏ trốn vào rừng. Đang đi lang thang trong rừng thì bất ngờ anh nhìn thấy một con sư tử đang lê bước bằng ba chân của nó...vừa đi vừa rên la đau đớn.
Thương hại quá Androcles cảm thấy mất hết cả sợ hãi, anh can đảm tiến lại gần con sư tử. Con vật thấy anh xuất hiện thì nó dừng lại. Nó ngoan ngoãn nằm xuống bên cạnh anh. Anh nhẹ nhàng cầm lấy chân con vật đưa lên để quan sát thì thấy chân nó đạp phải một cái gai thật to. Anh khéo léo, nhẹ nhàng nhổ cái gai ra khỏi chân con vật rồi tìm lá cây thuốc trong rừng đắp lên vết thương đang sưng tấy lên của nó.
Không bao lâu sau đó vết thương khỏi hẳn và từ đó trở đi người và vật quấn quít sống chung với nhau không rời nhau một bước. Mỗi ngày sư tử đi săn và bao giờ nó cũng dành cho Androcles, một ân nhân cứu mạng nó một phần thịt ngon nhất.
Một hôm khi con sư tử đi săn thì Androcles sơ ý đi ra khỏi khu rừng và anh bị bọn chủ nô lệ bắt lại. Anh bị giam rồi sau đó bị trả về với đời sống vất vả của một người nô lệ.
Cuối cùng khi đã vắt hết sức lao động của anh, bọn chủ nô lệ thấy anh không còn sinh ích lợi gì cho họ nữa thì họ đem anh đến đại hý trường nổi tiếng Colisée ở Roma để cho dã thú phanh thây xé thịt anh ra theo tục lệ giải trí của những người thời đó.
Hôm ấy giữa tiếng hò la như long trời sập đất của những khán giả, Androcles một mình đứng giữa hý trường. Một con sư tử đã bị bỏ đói nhiều ngày đang bị nhốt trong chuồng sắp được thả ra.
Bầu khí hết sức căng thẳng. Khi cửa chuồng mở, con vật chạy như gió tiến về phía nạn nhân.
Nhưng thật bất ngờ khi gần tới nơi thì con vật như khựng lại. Nó ngoan ngoãn nằm phủ phục dưới chân của Androcles rồi ngước mắt nhìn lên, dùng lưỡi nhẹ nhàng liếm tay người nô lệ. Androcles đưa tay vuốt ve nó. Anh rất mừng khi nhận ra đó chính là con sư tử mà anh đã cứu nó trong rừng.
Tất cả mọi người ở trong đại hý trường hôm đó đều hết sức ngỡ ngàng và cảm động. Họ đồng thanh la thật lớn yêu cầu hoàng đế trả tự do cho đôi bạn chân tình này.
Thế là từ đó trở đi Androcles và con sư tử đã trở thành một bài học và một biểu tượng của lòng biết ơn.
Lòng biết ơn là giá trị nền tảng nhất trong cuộc sống làm người. Lòng biết ơn...một trong những giá trị căn bản nhất của một cuộc sống đẹp thế nhưng hình như ngày hôm nay càng ngày người ta càng trở thành xa lạ với nó.
Một câu chuyện trích từ Internet:
Có hai người bộ hành đi trong một khu rừng rậm rạp. Đó là hai ông cháu. Trời nóng và oi bức. Họ khát nước. Cuối cùng họ đến một con suối nhỏ. Hai người cúi xuống uống nước. Ông lão bảo:
 - Cám ơn giòng suối nhỏ nhé!
Nói đoạn ông rút trong túi ra một cái muôi và múc một ít bùn dưới lòng suối đổ đi. Đứa cháu thấy vậy thì cười. Ông hỏi :  
- Sao cháu lại cười ?
Đứa cháu trả lời :
 - Có gì đâu mà ông phải cám ơn giòng suối ? Nó có phải  là người đâu? Nó không nghe được lời ông nói, nó không hiểu được lời cám ơn của ông đâu.
Người đàn ông ngẫm nghĩ. Giòng suối vẫn chảy róc rách. Chim vẫn hót vang trong rừng. . Sau một hồi lâu im lặng, ông bảo:  
- Thế đấy giòng suối có nghe thấy gì đâu. Nếu như có một con sói đến uống nước, có thể nó sẽ không biết cám ơn giòng suối. Nhưng chúng ta không phải là chó sói, mà là con người. Đừng quên điều đó cháu ạ: Và cháu có biết con người nói hai tiếng cám ơn là để làm gì không?
Đứa bể trầm ngâm. Nó chưa bao giờ suy nghĩ về điều đó. Cụ già chậm rãi bảo cháu:
 - Cháu ơi, con người nói lên hai tiếng cám ơn chính là để không bao giờ trở thành ...chó sói! 
Có lẽ không có gì tử tế và đẹp đẽ hơn trong cuộc sống làm người bằng hai tiếng cám ơn luôn được thốt lên với tất cả tấm lòng chân thành và trân trọng của mỗi người chúng ta. Amen.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.